Ngày 29 tháng 03 năm 2024

Sân bay Vân Đồn giữa trùng điệp núi rừng Quảng Ninh

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Hà Lan, Thụy Điển... Sáng 30/12, chuyến bay chở khách đầu tiên sẽ hạ cánh xuống đất mỏ Quảng Ninh.



Sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam
Lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện một sân bay do tư nhân sở hữu và khai thác đó là Cảng hàng không Vân Đồn nằm tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Công trình do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư và có nhiều điểm khác biệt với các công trình nhà ga khác trên cả nước. Nhìn tổng quan bên ngoài từ phía dưới hành khách có thể khó phát hiện sự nổi bật nhưng nếu tiến vào bên trong sẽ thấy nhà ga có được thiết kế nội thất khá ấn tượng. Tại đây, vật liệu xây dựng được nhập từ nhiều nước châu Âu, Mỹ... hiện đại, tạo cảm giác như đang ở sân bay của một quốc gia phát triển.
Công trình được khởi công từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, trên tổng diện tích 325 ha, đầu tư theo hình thức BOT với tổng số tiền khoảng 7.700 tỷ đồng. Cảng hàng không Vân Đồn cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt là Cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là Cảng hàng không quốc tế hiện đại với đường cất hạ cánh dài 3,6 km, rộng 45 m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hoá và hành khách lớn, hiện đại.








 


Mái vòm mang phong cách vịnh Hạ Long

Điểm nhấn đầu tiên của nhà ga hàng không Vân Đồn là mái vòm được thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh buồm nâu no gió neo đậu ở vịnh Hạ Long, xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn. Màu sắc trên mái có thể thay đổi từ cam sang đỏ trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Theo các chuyên gia kiến trúc của công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay đến từ Hà Lan, thiết kế này lấy cảm hứng từ chính biểu tượng của vùng biển Quảng Ninh.




Hệ thống cầu ống lồng nhập từ Tây Ban Nha (cấp khí lạnh, nước sạch, nguồn điện 400Hz).







Trên tổng diện tích gần 27.000 m2, nhà ga hàng không quốc tế Vân Đồn được thiết kế gồm 2 cao trình đến và đi riêng biệt, có một cầu hành khách cho máy bay code E, ba cầu hành khách cho máy bay code C (giai đoạn 1), tất cả được nhập từ Tây Ban Nha.

Tại khu vực tiếp đón hành khách có 31 quầy check-in, đảm bảo quá trình thực hiện các thủ tục đi và đến linh hoạt, nhanh gọn và hiệu quả. Phần mềm quản lý khai thác nhà ga do nhà cung cấp mang đến từ Pháp. Hệ thống âm thanh gồm các thiết bị đặc chủng mang thương hiệu Harman.


 

Lần đầu tiên một sân bay tại Việt Nam có hệ thống vườn treo ngoài trời phục vụ hành khách thư giãn cùng thiên nhiên.















Kết cấu tầng tầng lớp lớp của mái che nhà ga sân bay không chỉ mang đậm dấu ấn đặc trưng của vùng biển Quảng Ninh mà còn tạo khoảng trống đón ánh sáng tự nhiên và gió, giúp cho quá trình chờ đợi lên tàu bay của hành khách thuận lợi, thoải mái.

Riêng hệ thống toilet được thiết kế theo phong cách toilet sân bay ở Nhật Bản, những người đi nước ngoài nhiều sẽ dễ dàng nhận biết và phân biệt điều này. Với nhà vệ sinh nam, cửa và vách kính có màu xanh, còn toilet nữ được sử dụng màu đỏ. Ngoài ra còn có khu vệ sinh riêng dành cho trẻ em nhưng thời điểm này vẫn chưa hoàn thiện.








Phóng viên Zing.vn có mặt tại sân bay Vân Đồn trước thời điểm chính thức khai thác khoảng hai tuần. Lúc này mọi khâu xây dựng và hoàn thiện gần như đã xong, các ê-kíp nhân viên cảng hàng không đang diễn tập đón khách và vận chuyển hàng hóa. Được biết, họ đều là những người có thâm niên trong nghề, được đưa về từ các sân bay khác trên cả nước. Đơn vị khai thác không phải đào tạo mới quá nhiều cho đội ngũ nhân sự làm việc tại đây.
Công ty tư vấn xây dựng thiết kế sân bay của Hà Lan đã được mời để tư vấn công tác quản lý điều hành cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên nghiệp. Đơn vị này có 65 năm kinh nghiệm trong thiết kế, phát triển và quản lý sân bay trên phạm vi toàn cầu, đã tham gia trên 550 dự án sân bay ở 100 nước trên thế giới.








Sân đỗ quy mô, trang thiết bị hiện đại

Nhờ sân đỗ quy mô, trong giai đoạn 1 đến năm 2020 Cảng hàng không Vân Đồn có khả năng đáp ứng đủ chỗ đỗ cho 7 tàu bay, trong giai đoạn 2 đến năm 2030, đủ công suất cho 15 tàu bay. Bên trong, nhiều trang thiết bị hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của hàng không quốc tế đã được lắp đặt và hoàn thiện.






 

Hệ thống băng tải hành lý BHS có xuất xứ từ Hà Lan. Hệ thống được thiết kế linh động giữa băng chuyền quốc nội và quốc tế đảm bảo mọi trường hợp một trong các băng tải bị lỗi hệ thống vẫn đáp ứng hoạt động.

Hệ thống máy soi chiếu 2 chiều thương hiệu Smiths Detector xuất xứ Đức (phần lớn các sân bay VN chỉ soi một chiều), đáp ứng tiêu chuẩn hàng không Mỹ TSA5.

Hệ thống trả khay tự động Ilane của Đức lần đầu tiên được lắp đặt ở một sân bay của Việt Nam. Hệ thống làm nhiệt, máy dò chất nổ, ma túy xuất xứ Mỹ, đáp ứng tiêu chuẩn EU Standard 03 dò được chất nổ lỏng (sau vụ 11/9/2001 nước Mỹ thay đổi hoàn toàn về an ninh trong đó máy dò chất nổ này được áp dụng toàn bộ trên nước Mỹ).











Nằm trong tổng thể thiết kế của sân bay, Đài kiểm soát không lưu được bố trí gần khu vực nhà ga quốc tế, có chiều cao 42 m, đảm bảo giám sát, điều phối máy bay đi và đến trên mặt đất và trên không an toàn tuyệt đối. Kiến trúc Đài kiểm soát không lưu được lấy cảm hứng của ngọn hải đăng với nhiều nét độc đáo, ấn tượng.

Do thiết kế hình trụ, khu vực đỉnh tỏa rộng hình cánh hoa, nên phần thô của công trình rất khó thực hiện. Thay vì dùng công nghệ cốt pha trượt phổ biến để thi công ống tròn, đội ngũ xây dựng phải dùng công nghệ cốt pha leo, khó khăn và phức tạp hơn, nhằm đảm bảo thực hiện đúng ý tưởng thiết kế ban đầu.









Đường cất hạ cánh lung linh sắc màu trong đêm tối

Đường băng sân bay Vân Đồn có hệ thống đèn hiệu nhập từ Bỉ, đạt tiêu chuẩn CAT II. Riêng về nguồn điện cấp, đáp ứng được tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức hàng không thế giới) trong 1 giây mất điện.

Ngoài ra, nhờ hệ thống đường băng tiêu chuẩn, máy bay có thể cất, hạ cánh ở cả hai đầu đường băng một cách dễ dàng. Với hệ thống hạ cánh tự động ILS nhập từ Mỹ, Na Uy, Thuỵ Điển, máy bay còn hạ cánh trong mọi điều kiện thời tiết kể cả xấu khi đến Vân Đồn.

Dự kiến khi chính thức đi vào khai thác, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ có 9 tuyến bay với khả năng đón tiếp khoảng 7.000 lượt khách mỗi ngày. Theo kế hoạch, trong giai đoạn I đến năm 2020, nhà ga đáp ứng công suất phục vụ 2,5 triệu khách/ năm, giờ cao điểm đạt 1.250 hành khách/h.









Ngày 8/12 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã có buổi làm việc đánh giá nghiệm thu đưa Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vào khai thác thương mại. Theo đó, các thành viên hội đồng đều khẳng định, các điều kiện về chất lượng công trình, an toàn cất - hạ cánh; các trang thiết bị phục vụ bay, phòng cháy chữa cháy tại đây đảm bảo theo các tiêu chuẩn hàng không. Theo Tiến sĩ Cao Duy Tiến, Trưởng nhóm chuyên gia Hội đồng nghiệm thu, trong số vài chục công trình mà tổ chuyên gia (thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng) đã tham gia, chưa có công trình nào đạt chất lượng tốt như vậy, cả về hiệu suất đầu tư lẫn chất lượng.

Theo tính toán, sau khi dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một lực lượng lớn lao động địa phương, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Dự án cũng sẽ mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn để kinh tế, du lịch Vân Đồn “cất cánh” và góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian qua, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn phối hợp cùng tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan ban ngành liên quan triển khai tìm kiếm thị trường bay tại các nước trên thế giới và trong khu vực. Cụ thể, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Tại thị trường trong nước, sẽ tập trung vào khu vực Miền Trung và Miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.



Nguồn: Zing.vn