Ngày 24 tháng 04 năm 2024

Lựa chọn nhà thầu thi công: Cần tăng tỷ trọng kỹ thuật

Yếu tố kỹ thuật trong đấu thầu không được chú trọng khi lựa chọn nhà thầu thi công dẫn đến việc không loại trừ được các nhà thầu yếu kém
Các chuyên gia của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khuyến nghị, Việt Nam cần tăng tỷ trọng kỹ thuật khi đánh giá thầu, nhằm loại trừ các nhà thầu ít quan tâm đến chất lượng thi công và quản lý an toàn.



Giá thấp trúng thầu
Tại Việt Nam, Luật Đấu thầu 2013 có 6 hình thức lựa chọn nhà thầu tham dự thầu: Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp và tự thực hiện. Có 4 phương thức đấu thầu: Một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ, hai giai đoạn một túi hồ sơ và hai giai đoạn hai túi hồ sơ. Các phương thức đấu thầu đều được áp dụng không chỉ cho đấu thầu thi công xây dựng mà cho các loại hình mua sắm khác. Tuy nhiên, việc lựa chọn cuối cùng chủ yếu dựa vào giá dự thầu cho dù đề xuất kỹ thuật cũng được đánh giá xem có đạt yêu cầu tối thiểu hay không.
Theo các chuyên gia JICA, trong phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ, có thể lựa chọn 1 trong 3 phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu là: Phương pháp giá thấp nhất, phương pháp giá đánh giá và phương pháp đánh giá kết hợp giữa kỹ thuật và giá. Nếu lựa chọn phương pháp thứ hai và thứ ba, cho phép chủ đầu tư có thể đánh giá được đồng thời giá dự thầu và đề xuất kỹ thuật, nhưng hầu hết các chủ đầu tư tại Việt Nam không sử dụng hai phương pháp này vì không có đủ kỹ năng để đưa ra cách thức chấm điểm.
Tại Việt Nam, điểm chấm cho vấn đề kỹ thuật chỉ chiếm tỷ trọng 10 - 15% tổng điểm để lựa chọn hồ sơ dự thầu. Có nghĩa là không đánh giá nhiều, không đặt nặng vấn đề kỹ thuật khi chấm thầu, mà gần như sử dụng phương pháp giá thấp nhất, cứ qua được yêu cầu tối thiểu sẽ vào được vòng giá. Vào được vòng giá rồi thì gần như nhà thầu nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu.
Theo Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS), việc lựa chọn nhà thầu tại Việt Nam cơ bản tuân thủ theo quy trình lựa chọn nhà thầu như các nước vẫn thực hiện. Tuy nhiên, để đánh giá là hiệu quả hay không và có lựa chọn được đúng nhà thầu có năng lực hay không thì tương đối khó. Để có thể loại bỏ những nhà thầu yếu kém và lựa chọn đúng nhà thầu có đủ năng lực sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực của bên mời thầu (bộ phận chấm thầu). Cần chuyên nghiệp hóa công tác chấm thầu (DN cung cấp dịch vụ chấm thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu) để khắc phục trường hợp chủ đầu tư là các cơ quan quản lý địa phương, nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp.
Coi trọng giá trị của đồng tiền
Tại Nhật Bản, do xét đến khía cạnh có sự khác biệt giữa các công việc của ngành xây dựng so với các loại hình mua sắm khác, nên năm 2001 và 2005, Nhật Bản ban hành Luật Thúc đẩy công tác đấu thầu và giao thầu công trình công và Luật Thúc đẩy đảm bảo chất lượng công trình công, để quy định về cơ chế đấu thầu công trình công. Một trong những ý tưởng quan trọng nhất của Luật Thúc đẩy đảm bảo chất lượng công trình công là ký hợp đồng với nhà thầu phải xét đến cả giá cả và chất lượng, nhấn mạnh tất cả các chủ đầu tư nên sử dụng hệ thống đánh giá tổng hợp. Phần lớn các chủ đầu tư, bao gồm cả Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản (MLIT) đều sử dụng phương pháp đánh giá tổng hợp trong hầu hết các dự án, chiếm khoảng 80%. Phương pháp đánh giá tổng hợp chia làm ba loại: Kiểu đơn giản, áp dụng đối với công trình không cần nhiều tiến bộ kỹ thuật, Kiểu chuẩn và Kiểu đề xuất tiên tiến áp dụng đối với công trình có thể được cải thiện bằng cách đề xuất những phương pháp hoặc công nghệ mới.
Tại Singapore, điểm đáng chú ý nhất của chính sách đấu thầu là yếu tố giá trị kinh tế. Với chính sách này, các nhà thầu có giá thấp nhất không có nghĩa là trúng thầu, cơ quan chính phủ tính đến tiêu chí đảm bảo chất lượng trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Tỷ trọng các tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà thầu với gói thầu từ 3 triệu USD trở lên là giá thầu chiếm 50 - 70%, năng suất chiếm 10% và chất lượng chiếm 40 - 20%.
Theo ông Mitsuhiro Narisawa - Phó trưởng đoàn Dự án Tăng cường năng lực trong Dự toán chi phí, Quản lý hợp đồng, Chất lượng và An toàn trong các dự án đầu tư xây dựng (CQQS) của JICA, ở Việt Nam chú trọng vấn đề hiệu quả kinh tế, gần như tập trung vào giá dự thầu, nếu như giá dự thầu tốt thì được trao thầu. Còn ở Singapore, coi trọng phần giá trị sử dụng của đồng tiền. Ở Nhật Bản, trước đây họ cũng theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế, nhưng khi thấy phương pháp này không phù hợp, Bộ MLIT đã phải ra đạo luật về đảm bảo chất lượng xây dựng, trong đó yêu cầu các phương pháp đấu thầu phải đảm bảo bài thầu có tính vượt trội cả về chất lượng và giá cả, giá trị của đồng tiền phải được sử dụng ở mức cao nhất.

Theo JICA, Việt Nam nên tăng cường đánh giá về mặt kỹ thuật khi đánh giá hồ sơ dự thầu, từ tỷ trọng 10 - 15%, hướng đến 15 - 50% tùy quy mô, tính chất gói thầu, hồ sơ đề xuất đánh giá một cách tổng hợp về chất lượng và giá cả, hợp đồng được ký kết nếu đủ nguồn lực để thi công. Đẩy mạnh sử dụng phương pháp đánh giá tổng hợp, quyết định khách quan và rõ ràng phương pháp lựa chọn nhà thầu với bảng lựa chọn, kết nối với việc phân cấp công trình. Đồng thời, theo dõi việc sử dụng phương pháp đấu thầu hằng năm, công bố về xu hướng lựa chọn nhà thầu của mỗi chủ đầu tư.
 

Theo baoxaydung.com.vn